Bạn là chủ tiệm nail tại Mỹ và đang băn khoăn về các cách chia turn sao cho hiệu quả. Hiện tại, First come – First serve vẫn đang là hình thức chia turn phổ biến nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm của từng tiệm, bạn có thể áp dụng những cách biến thể khác của cách chia này để phù hợp với tiệm mình nhất. Dưới đây là 5 cách chia turn tiệm nail được dựa trên mô hình First come – First serve.
1. Cách chia turn tiệm nail First come – First serve căn bản
Theo cách chia turn tiệm nail First come – First serve căn bản, người đầu tiên đến tiệm trước sẽ được ưu tiên cho khách hàng đầu tiên, người đến thứ hai sẽ nhận khách hàng tiếp theo đến tiệm. Duy trì cho đến hết lượt khách hàng ghé tiệm trong ngày. Với cách chia này, khách hàng làm nhiều hay ít dịch vụ thì vẫn chỉ tính là 1 turn.
Cách chia này tác động trực tiếp đến lợi ích của nhân viên nên một phần sẽ tác động đến ý thức và trách nhiệm, nhân viên đi làm đúng giờ, thậm chí là đến trước. Thời gian đến tiệm sớm thì khả năng nhận được nhiều turn càng cao.
Tuy nhiên, cách làm này có thể phản tác dụng khi nhân viên bắt đầu quan trọng hóa số lượng turn nhận trong ngày. Điều này có thể dẫn đến việc nhân viên làm nhanh, làm ẩu để nhận nhiều turn, về lâu dài ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của tiệm. Chưa kể, cách chia này sẽ gây ra sự chênh lệch thu nhập giữa nhân viên mới và cũ. Đối với nhân viên mới học việc, tay nghề còn yếu nên sẽ bắt turn chậm hơn, thu nhập ít hơn. Tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài dễ gây ra lục đục nội bộ.
2. First come – First serve kết hợp xếp lại turn theo income
Cách chia turn theo income khá phổ biến ở Mỹ vì có thể khắc phục được nhược điểm của cách chia cơ bản trên. Theo đó, vào đầu ngày, thợ đến trước vẫn được bắt turn trước theo thứ tự. Tuy nhiên đến giữa ngày, chủ tiệm sẽ thống kê lại income của mỗi người, sau đó sẽ sắp xếp lại theo thu nhập từ thấp nhất đến cao nhất, thu nhập thấp sẽ được đưa lên đầu để bắt đầu bắt turn lượt mới. Cứ như vậy cho đến cuối ngày.
Như đã nói, cách chia turn tiệm nail này sẽ giúp nhân viên có mức thu nhập công bằng hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ lại không công bằng với thợ bột. Chẳng hạn trong ngày hôm đó thợ bột làm tất cả các service, income cao hơn các thành viên khác, nhưng về số lượng turn sẽ có thể thấp hơn. Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của người thợ đó.
3. First come – First serve không tính khách hẹn
Với cách chia turn tiệm nail này, nhân viên đến trước vẫn sẽ bắt turn trước, tuy nhiên nếu là khách hẹn thì turn của họ vẫn còn. Khi làm dịch vụ xong cho khách hẹn, họ vẫn có thể tiếp tục bắt khách walk-in theo turn list.
Cách chia này sẽ tạo thêm động lực cho thợ sử dụng kỹ năng upsell, tăng lượt làm dịch vụ, đồng thời cải thiện kỹ năng bán hàng hiệu quả. Tuy nhiên, cũng giống như cách chia cơ bản, việc chia turn không tính khách hẹn có thể làm chênh lệch mức thu nhập đối với các thợ mới. Về lâu dài sẽ có thể gây mâu thuẫn nội bộ.
4. First come – First Serve kết hợp chia đều số lượng khách
Cũng như 3 cách trên, thợ đến trước sẽ bắt turn trước. Tuy nhiên số lượng khách đến tiệm trong ngày sẽ được chia đều cho các thợ. Với cách chia này, nhân viên vẫn sẽ có động lực đi làm sớm để bắt turn sớm, đồng thời hạn chế tình trạng làm nhanh làm ẩu để lấy số lượng vì lượt khách sẽ được chia đều hết cho nhân viên. Không có sự tranh chấp về turn nên thợ sẽ thể hiện hết các kỹ năng bán hàng, vừa gia tăng thu nhập, và nội bộ không bị ảnh hưởng.
Đương nhiên, phương pháp này cũng sẽ vướng một số hạn chế, đặc biệt là với những người thợ giỏi. Vì có tay nghề lâu năm nên thợ giỏi thường hoàn thành turn nhanh hơn, nhưng vẫn phải đợi để tiếp tục được chia khách. Nếu tiệm có số lượng thợ đông thì sẽ sinh ra tình trạng lãng phí nguồn lực.
5. Cách chia turn tiệm nail First come – First Serve ưu tiên thợ bột
Với cách chia này, khách khi đến tiệm mà muốn làm pedicure, thợ bột sẽ được ưu tiên trước. Khách tiếp theo, thợ tay chân nước sẽ làm, vẫn theo thứ tự thợ đến trước bắt turn trước. Theo cách chia này, thợ bột sẽ có thu nhập tốt hơn, chủ tiệm có thể giữ chân được thợ giỏi. Tuy nhiên, vẫn là vấn đề chênh lệch thu nhập giữa thợ bột và thợ chân tay nước có thể gây ra mâu thuẫn nội bộ.
Có thể thấy không có cách chia nào là hoàn hảo cả. Mỗi cách chia turn tiệm nail đểu có ưu điểm và hạn chế riêng. Để chọn ra phương thức phù hợp nhất, chủ tiệm phải hiểu rõ từng cách chia, đồng thời phải đánh giá được năng lực nhân viên cũng như đặc biệt của tiệm mình.
Để tìm hiểu thêm các thông tin hữu ích đối với việc mở tiệm nail tại Mỹ, bạn đọc đừng quên tham khảo các bài viết khác tại website của Hội Nail Việt.